-->

Rối loạn tâm thần thực tổn muộn (hoặc kéo dài)

 

2. Rối loạn tâm thần thực tổn muộn (hoặc kéo dài)

Khi có sự kết hợp với các hoàn cảnh bất lợi, một số bệnh cơ thể có thể trở nên mạn tính hoặc tuỳ theo mức độ phát triển của bệnh chính, hội chứng rối loạn ý thức được thay thế bằng các hội chứng quá độ diễn biến không có rối loạn ý thức. Trong những trường hợp như vậy gọi là rối loạn tâm thần thực tổn muộn hoặc kéo dài. Biểu hiện lâm sàng bằng các triệu chứng, hội chứng như ảo giác - hoang tưởng, trầm cảm - hoang tưởng, hưng cảm, lo âu và trong trạng thái cuối có hội chứng tâm thần thực tồn với sự biến đổi nhân cách đáng kể.

2.1. Hội chứng ảo giác - hoang tưởng

Trong rối loạn tâm thần thực tổn kéo dài thường gặp, các hoang tưởng bị theo dõi, hoang tưởng liên hệ hoặc bị hại, kèm theo ảo giác và ảo tưởng lời nói. Trong một số trường hợp, trạng thái này có thể phát triển thành hiện tượng tâm thần tự động hoặc có thể mất đi khi thay đổi hoàn cảnh. Một số trường hợp khác có thể chuyển thành trạng thái vô cảm.

2.2. Hội chứng trầm cảm

Hội chứng trầm cảm trong rối loạn tâm thần thực tổn kéo dài mang tính chất không điển hình. Người bệnh trầm cảm kèm theo kích thích vật vã, lo âu, bối rối lặp đi lặp lại một vài lời, vài câu. Khi bệnh cơ bản nặng lên, trạng thái trầm cảm chuyển thành trầm cảm hoang tưởng.

2.3. Hội chứng hưng cảm

Người bệnh vui vẻ, tăng hưng phấn vận động, kèm theo trạng thái kích thích suy nhược. Trong một số trường hợp, khi hưng cảm phát triển với đỉnh cao có thể chuyển sang hưng cảm lú lẫn.

2.4. Hội chứng tâm thần thực thể

Hội chứng này được hình thành ở giai đoạn cuối của rối loạn tâm thần thực tổn, sự xuất hiện từ từ và ngày một nặng. Đây là trạng thái cuối cùng, có tác giả gọi là hội chứng não tổn thương vĩnh viễn - biểu hiện sự suy yếu chung về mặt tâm thần: trí nhớ rối loạn, hoạt động tư duy và nhận thức suy yếu, cảm xúc không ổn định.

- Trí nhớ: khả năng ghi nhớ và chú ý giảm sút, đãng trí, hồi ức kém các sự kiện quá khứ gần, các hiểu biết cũ bị mất dần.

- Nhận thức suy yếu: Người bệnh rối loạn các năng lực định hướng, tư duy nghèo nàn, ngây độn, khó lĩnh hội, giảm khả năng phán đoán và suy luận, liên tưởng chậm.

- Cảm xúc không ổn định và dễ thay đổi, nôn nóng, giận dữ, mất hứng thú với những công việc trước đây, ăn mặc trở nên cẩu thả, không chú ý đến vệ sinh thân thể. Cuối cùng, khi hội chứng tâm thần thực tổn nặng hơn người bệnh biến đổi nhân cách trầm trọng và trở nên sa sút tâm thần.

BÌNH LUẬN ()