1. Sự suy giảm trí nhớ
Suy giảm trí nhớ là một triệu chứng
đặc trưng, sớm, điển hình và nổi bật của sa sút trí tuệ. Trong các bệnh lý do
chấn thương sọ não, tai biến mạch não... quên xuất hiện nhanh chóng và trầm trọng
sau một thời gian ngắn. Trong các bệnh thoái triển, suy giảm trí nhớ xuất hiện
từ từ, kín đáo, khó nhận biết được bởi người thân, đồng nghiệp. Đặc biệt là
trong sa sút trí tuệ do bệnh Alzheimer: ở thời kỳ đầu suy giảm trí nhớ có thể
còn nhẹ và thường rõ rệt nhất đối với các sự kiện mới xảy ra (quên do ghi nhận
kém) - bệnh nhân hay quên số điện thoại, không nhớ được các sự kiện xảy ra
trong ngày, không nhớ được nội dung một bài báo vừa đọc, một bản tin vừa xem
trên tivi... Theo tiến trình của bệnh, suy giảm trí nhớ ngày càng nặng hơn và bệnh
nhân quên cả các sự kiện xảy ra ngày hôm trước, tuần trước, tháng trước... quên
tên người quen cũ, đồng nghiệp, quên các kiến thức đã học... rồi quên cả các sự
kiện quan trọng liên quan đến cuộc sống cá nhân (nơi sinh, năm sinh, tên vợ hoặc
chồng...).
2. Rối loạn định hướng
Bởi vì trí nhớ là một nhân tố
quan trọng cho việc định hướng, do vậy trong sa sút trí tuệ khả năng định hướng
cũng từng bước bị ảnh hưởng. Trong một số bệnh rối loạn định hướng là những triệu
chứng quan trọng trong bệnh cảnh lâm sàng (Ví dụ: rối loạn định hướng về không
gian, địa lý rất rõ rệt và thường thấy ở bệnh nhân bị bệnh Alzheimer...).
3. Rối loạn ngôn ngữ
Là triệu chứng quan trọng trong
chẩn đoán sa sút trí tuệ do tổn thương ở thùy đỉnh, vỏ não (Alzheimer, mất trí
trong bệnh mạch máu não...). Triệu chứng điển hình và được dùng làm tiêu chuẩn
chẩn đoán sa sút trí tuệ trong DSM - IV là Vong ngôn (aphasia). Có thể là vong
ngôn biểu hiện hoặc vong ngôn tiếp nhận. Các triệu chứng có thể bao gồm: lời
nói mơ hồ, nói lặp từ, nói định hình, nói gián tiếp. Bệnh nhân có thể rất khó
khăn trong việc tìm từ, gọi tên đồ vật,...
4. Vong tri
Giảm hoặc mất khả năng nhận biết,
gọi tên đồ vật, đối tượng...mặc dù các cơ quan cảm giác, giác quan không bị tổn
thương.
5. Vong hành
Rối loạn khả năng hoạt động, làm
một việc gì đó, mặc dù các cơ quan chức năng vận động không bị tổn thương. Bệnh
nhân không làm được các công việc thông thường như chải tóc, mặc quần áo... hoặc
không xếp được, không vẽ được một hình theo yêu cầu của người khám,...
6. Giảm khả năng tư duy trừu tượng
Bệnh nhân thấy khó khăn trong việc
khái quát từ một ví dụ đơn giản thành một quan niệm và nắm được sự giống nhau,
khác nhau trong các quan niệm... Khả năng suy luận, phán đoán và giải quyết vấn
đề cũng bị suy giảm theo tiến triển của bệnh, ảnh hưởng rõ rệt đến hoạt động nghề
nghiệp, các quan hệ xã hội và ngay cả trong cuộc sống gia đình, hoạt động sống
hằng ngày của bệnh nhân.